Thời tiết thay đổi bất thường từ nóng sang lạnh, chênh lệch nhiệt độ ngày đếm lớn trong đó nhiệt độ về đêm xuống thấp dưới 15 độ C là nguyên nhân tái phát các bệnh xương khớp như: viêm đa khớp, thoái hóa khớp, bệnh gút … Các cơn đau gút có thể tái phát bất thình lình gây đau nhức, khó chịu và cứng khớp.
Theo y học cổ truyền, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để các yếu tố gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, lưu đọng lại ở các khớp xương khiến kinh lạc bị trì trệ, khí huyết kém lưu thông và phát sinh chứng đau nhức ở các khớp. Trong khi đó, y học hiện đại cho biết bệnh khớp thường trở nên nghiêm trọng hơn khi thời tiết chuyển mùa là do áp suất khí quyển thấp. Khi thời tiết thay đổi, áp suất khí quyển giảm xuống, các mô nở ra tạo áp lực lên các khớp. Đặc biệt đối với những bệnh nhân khớp mãn tính, lớp sụn khớp bị bào mòn trơ ra đầu xương lồi lõm, các dây thần kinh cũng nhạy cảm hơn nên sẽ cảm nhận các cơn đau nhức, cứng khớp rõ hơn.
Hình ảnh minh họa
Do đó, khi thời tiết lạnh, ẩm chính là lúc bệnh xương khớp trở nên trầm trọng, các khớp dễ bị sưng tấy, đau đớn. Nguyên nhân do sự thay đổi của thời tiết kéo theo sự thay đổi của các yếu tố bên trong cơ thể như: độ nhớt của máu và dịch khớp, sự kết tủa của muối, thay đổi nồng độ hóa chất trung gian trong cơ thể... Chính sự thay đổi này góp phần làm xuất hiện đợt đau xương khớp, đồng thời có thể gây cứng khớp. Các bệnh về khớp có rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người bệnh, gây cản trở khả năng đi lại và làm xuất hiện những cơn đau đớn dai dẳng tại các khớp xương. Khi bị hạn chế khả năng đi lại, làm giảm chất lượng sống mà nặng nhất là bị tàn phế, ngoài yếu tố sức khỏe, người bệnh còn rất dễ rơi vào cảnh trầm cảm, u uất, có xu hướng sống tiêu cực, thụ động, tinh thần xuống dốc nghiêm trọng.
Các chuyên gia y tế đã khuyến cáo, bệnh khớp đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Phổ biến là thoái hoá khớp gối, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống, lún xẹp đốt sống lưng ở nữ giới hoặc bệnh Gut (thống phong), viêm cột sống dính khớp, thoát vị đĩa đệm cột sống ở nam giới. Khi có dấu hiệu đau nhức xương khớp, người bệnh cần sớm đến bệnh viện có chuyên khoa xương khớp để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Ngoài chế độ ăn uống giàu canxi, uống nhiều nước, để chăm sóc khớp, cần vận động nhẹ nhàng. Khi thời tiết thay đổi, bệnh nhân nên đi tất, không nên lội nước, lội bùn, ra ngoài khi có gió lạnh, đồng thời chú ý giữ ấm các khớp xương ở chân, tay, đầu gối, cổ, vai, cột sống vào thời điểm chuyển mùa, nhằm hạn chế các cơn đau khớp xâm lấn. Cần có hiểu biết và có biện pháp phòng ngừa thích hợp các bệnh xương khớp vào những ngày chuyển mùa và những ngày lạnh giá sắp đến.
Bông tuyết