Sau hàng loạt nghi vấn về ảnh hưởng của chất cồn đối với bệnh gút, cuối cùng các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh được mối quan hệ này là có thực. Trong đó, bia là mối đe doạ nguy hiểm nhất, do nó chứa một thành phần đặc biệt nhiều hơn bất kỳ loại nước uống chứa cồn nào.

Lâu nay, người ta tin rằng chất cồn có khả năng kích thích cơ thể sản sinh một chất gọi là axit uric. Sự tích tụ chất này trong các ổ khớp sẽ dẫn đến bệnh gút, hay còn gọi là bệnh thống phong, phá huỷ mạn tính khớp, gây nên các cơn viêm khớp thống phong cấp với các biểu hiện sưng đỏ và đau nhức.


Bia - tác nhân số một gây bệnh gút

Bia là một tác nhân gây bệnh gút (Hình minh họa)

Trong quá trình theo dõi khoảng 47.000 nam nhân viên y tế trong vòng 12 năm, một nhóm chuyên gia đến từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) đã ghi nhận 730 người phát triển bệnh gút. Trong đó, những người nốc trên 2 vại bia mỗi ngày có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2,5 lần người không uống. Những trường hợp uống rượu ở mức độ tương tự cũng có nguy cơ cao gấp 1,6 lần. Tuy nhiên, dường như không có mối nguy hiểm nào đe doạ những người uống rượu ở mức độ vừa phải hoặc ít hơn.

Theo tiến sĩ Hyon Choi, trưởng nhóm nghiên cứu, sự chênh lệch về khả năng gây bệnh gút giữa các loại nước uống chứa cồn có thể do sự góp mặt của một chất phi cồn nào đó. Mọi nghi ngờ đang đổ dồn vào hợp chất có tên là purines, được tìm thấy một lượng lớn trong bia, nhưng lại rất ít trong rượu và những nước uống khác. Chất này có thể tác động lên axit uric trong máu và làm gia tăng tác hại của chất cồn đối với cơ thể.

Trong y học, bệnh gút còn gọi là bệnh nhà giàu. Số người mắc bệnh đang ngày một gia tăng ở các nước phát triển trong vòng 30 năm qua. Việc điều trị hiện không có trở ngại, song nếu để xảy ra biến chứng thì người bệnh khó tránh bị tổn thương thận, có thể gây sỏi thận.

Mỹ Linh (theo BBC)