Các nhà nghiên cứu nhận ra mối liên hệ giữa những người bị gout với lượng nước ngọt có ga mà họ tiêu thụ. Hãy cùng tìm hiểu tại sao nước ngọt lại có ảnh hưởng nghiêm trọng như vậy?
Trong thời gian thực hiện nghiên cứu về mối quan hệ giữa sự gia tăng trong tiêu thụ nước giải khát và sự gia tăng bệnh gout, các nhà nghiên cứu đã đưa ra được các số liệu: số người bị bệnh gout từ trước năm 1970 là 20 trên 100.000 người; vào giữa thập kỉ 90, con số này đã tăng lên trên gấp đôi so với tỉ lệ 45,9/100.000. Cùng với đó, số lượng tiêu thụ nước ngọt có ga ở người trưởng thành đã tăng 61% từ năm 1977 đến năm 1997.
Giáo sư Hyon Choi công tác tại trường Đại học Y Boston giải thích mối liên hệ giữa những bệnh nhân gout với việc uống soda là do trong soda có chứa đường fructose – loại đường làm tăng nồng độ axit uric, là nguyên nhân dẫn đến bệnh gout. Giáo sư cũng cho biết thêm fructose cũng có trong nhiều đồ uống và thực phẩm ngọt khác chứ không riêng gì soda.
Axit uric được thận lọc và bài tiết ra khỏi cơ thể bằng nước tiểu. Bệnh gout được hình thành do axit uric tích tụ trong máu, hình thành tinh thể axit uric trong một hay nhiều khớp xương và dẫn đến đau đớn, sưng tấy. Có rất nhiều nguyên nhân làm cho nồng độ axit uric tăng cao và trong số đó là do nạp vào cơ thể quá nhiều fructose.
Nghiên cứu của giáo sư Choi đã cho thấy số người sử dụng nước ngọt có ga hai hoặc nhiều lần mỗi ngày có khả năng bị bệnh gout cao hơn 85% so với những người tiêu thụ ít hơn. Ngay cả trong nước trái cây đóng hộp có đường như nước cam cũng dễ dẫn đến nguy cơ bị bệnh.
Choi và các đồng nghiệp của ông đã tìm thấy sự gia tăng nhẹ nguy cơ bệnh gout với tiêu thụ có nồng độ fructose cao chẳng hạn như táo và cam. Tuy nhiên, giáo sư Choi nhấn mạnh:“Fructose nhân tạo trong nước soda dẫn đến bệnh gout cao hơn fructose tự nhiên có trong trái cây”.