Gút là một bệnh chuyển hóa thường gặp, liên quan đến rối loạn chuyển hóa purine. Hậu quả tăng axít uric (AU) máu kéo dài và lắng đọng tinh thể urát sodium ở khớp gây viêm khớp gọi là bệnh gút. Ngày nay, tuổi thọ trung bình ở nước ta 73 tuổi, sự gia tăng tuổi thọ kéo theo sự gia tăng bệnh chuyển hóa trong đó có bệnh gút và bệnh đái tháo đường. Bệnh gút gia tăng liên quan đến sự thay đổi lối sống, sự gia tăng bệnh tăng huyết áp. Ở Mỹ, tỷ lệ bệnh gút 0,5% năm 1969 và 3% năm 1996. Ở nước ta, những năm gần đây tại khoa Cơ Xương Khớp Bệnh viện E, nhiều bệnh nhân gút phải nhập viện. Ở bệnh nhân thiếu tính “kỷ luật” không tuân thủ điều trị và kiểm soát bệnh chưa tốt, nồng độ axit uric máu tăng cao dẫn đến có nhiều rối loạn kèm theo.
Bệnh gút và hội chứng chuyển hóa
Các yếu tố nguy cơ đến bệnh tim mạch ở bệnh nhân gút như béo phì, tăng triglyceride (TG) máu, tăng huyết áp và hội chứng chuyển hóa. Béo phì sau một thời gian dài phối hợp với gút. Người ta cho rằng béo phì có liên quan đến tăng insulin máu. Nồng độ insulin máu cao làm giảm bài tiết urat ở thận hay nói cách khác insulin tăng tái hấp thu urat ở ống thận. Sự phối hợp giữa gút và rối loạn lipide máu thấy rõ nhất là tăng TG máu. Ở bệnh nhân gút có 50% đến 75% tăng Triglyceride máu.
Tăng huyết áp thường gặp ở bệnh nhân gút. Các nghiên cứu cho thấy có sự tương quan giữa axit uric máu với các yếu tố của hội chứng chuyển hóa (HCCH): Tăng huyết áp, béo phì, HDL-cho thấp, tăng TG máu, tăng insulin máu và kháng insulin. Nghiên cứu mới đây của Li và cs cho thấy nguy cơ tương đối bệnh gút ở người tăng huyết áp là 2,31 (IC 95: 1,96-2,72). Nghiên cứu gần 2374 người trong đó 1468 nam và 906 nữ, đánh gia sự tương quan của chỉ số AU với các yếu tố của hội chứng chuyển hóa. Các tác giả kết luận trong HCCH có thể kết hợp tăng AU và gút.
Những năm gần đây, trong các hội nghị của Hội Khớp học Pháp (Congrès du Sociéte Francaise de Rhumatologie-SFR) thường xuyên đề cập đến chủ đề bệnh gút và hội chứng chuyển hóa. Bệnh gút trở nên vấn đề thời sự về dịch tễ học, sinh bệnh học và điều trị mới. Ngày nay, điều trị bệnh gút ngoài mục đích giảm lượng AU, giảm thể tích cục tophy, vấn đề điều trị bệnh phối hợp đã được chú ý nhiều như bệnh tim mạch.
Bệnh gút và nguy cơ đái tháo đường type 2
Theo các nghiên cứu cho thấy, có sự liên quan chặt chẽ giữa tăng AU máu, bệnh gút và hội chứng chuyển hóa. Chính hội chứng chuyển hóa tăng nguy cơ bệnh vữa xơ mạch và đái tháo đường (ĐTĐ) type 2. Nghiên cứu Multiple Risk Fractor Intervention Trial (MRFIT), trong 6 năm tác giả H.K.Choi và cs cho thấy có sự liên quan giữa gút và tỷ lệ nguy cơ ĐTĐ type 2 ở 11351 nam (10707 nam không mắc bệnh gút và 644 nam mắc bệnh gút). Tỷ lệ đái tháo đường được xác định căn cứ theo tiêu chuẩn của Hội ĐTĐ Mỹ-American Diabetes Association (ADA) của nghiên cứu dịch tễ học. Nghiên cứu này đã chỉ ra trong số 11351 nam có 1215 ca mới ĐTĐ type 2. Tỷ lệ ĐTĐ type 2 của nam bị gút so sánh với nam không bị gút là 1,34 (95% CI 1,09; 1,64).
Theo dự đoán năm 2030 nước ta có khoảng 30% người trên 60 tuổi, đây là độ tuổi con người mắc nhiều bệnh tim mạch, đái tháo đường và bệnh xương khớp. Ngày nay tỷ lệ ĐTĐ toàn quốc chiếm 2,7%, trong đó nam giới chiếm 3,3% và nữ chiếm 3,7%. Như vậy, mỗi chuyên khoa sâu tim mạch, nội tiết và xương khớp đều phải đối mặt với hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân gút.
Đái tháo đường type 2 bảo vệ bệnh gút?
Các nghiên cứu trên cho thấy tăng AU và gút gây nguy cơ ĐTĐ type 2. Ngược lại, theo cơ chế bệnh sinh của ĐTĐ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nồng độ AU ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 thấp hơn ở những người không bị ĐTĐ. Lý do thứ nhất là do lượng đường niệu ở ĐTĐ góp phần tăng bài niệu AU. Lý do thứ hai là sự đáp ứng viêm của ĐTĐ có vai trò bảo vệ chống nguy cơ bệnh gút. Một nhóm nhà khoa học ở Mỹ hy vọng đánh giá hậu quả của bệnh ĐTĐ lên nguy cơ bệnh gút.
Sưu tầm