Gút là một bệnh chuyển hóa thường gặp, liên quan đến rối loạn chuyển hóa purin dẫn đến làm tăng axit uric máu kéo dài, lắng đọng muối natri urat ở khớp gây viêm đau khớp mạn tính. Bệnh tiến triển từ từ và trở nên trầm trọng hơn theo thời gian nếu như không được can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách. Thông thường, bệnh gút tiến triển theo 4 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Nồng độ axit uric cao, chưa xuất hiện triệu chứng
Trong giai đoạn này, nồng độ axit uric máu tăng cao tuy nhiên chưa xuất hiện các cơn gút cấp. Do đó, bác sỹ thường gọi là “tăng axit uric máu”, chưa phải gút. Thực tế, nhiều người có nồng độ axit uric cao không tiến triển thành bệnh gút. Có nhiều bệnh nhân có tiền sử tăng axit uric máu trong hơn 20 năm trước khi gặp cơn gút cấp đầu tiên. Tuy nhiên, khi có nồng độ axit uric máu tăng cao quá ngưỡng bình thường, bạn cần đi khám tại các chuyên khoa cơ xương khớp để có được sự tư vấn của bác sỹ một cách kịp thời.
Giai đoạn 2: Xuất hiện gút cấp
Cơn gút cấp xuất hiện khi nồng độ axit uric máu cao dẫn đến hình thành tinh thể, gây viêm khớp cấp. Cơn gút cấp thường tấn công bất ngờ, vào ban đêm và không có cảnh báo trước. Các triệu chứng của cơn gút cấp là sưng, nóng , đỏ và rất đau, thường gặp ở ngón chân cái. Bệnh nhân gút thường mô tả cơn đau giống như một ngọn đuốc đang cháy, một cái búa khoan, kim đâm hoặc đi chân trần trên than nóng. Một khi đã xuất hiện cơn gút cấp thì bệnh nhân sẽ được kết luận chẩn đoán là mắc bệnh gút và nguy cơ bị tái phát trở lại sẽ rất dễ xảy ra.
Đối với đa số bệnh nhân gút (số liệu thực tế 78%) xuất hiện cơn gút cấp thứ hai xảy ra trong vòng 6 tháng đến 2 năm sau cơn gút đầu tiên. Sau đó các cơn gút cấp xảy ra nhiều hơn một khớp tại một thời điểm. Dần dần các cơn gút cấp xuất hiện với mức độ thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn, đau kéo dài hơn, thời gian phục hồi lâu hơn so với các cơn gút cấp ban đầu.
Khi gặp cơn gút cấp, thông thường các bác sĩ sẽ điều trị bằng các thuốc giảm đau, giảm sưng khớp để cải thiện triệu chứng, kết hợp với thuốc làm giảm nồng độ axit uric để hạn chế tái phát cơn gút cấp trở lại. Tuy nhiên phương pháp này chỉ giải quyết triệu chứng của bệnh mà không thể chữa khỏi được hoàn toàn bệnh.
Để kiểm soát bệnh gút, bệnh nhân gút nên giữ cho nồng độ axit uric của bạn dưới ngưỡng 420 µmol/l để tránh cơn gút cấp tái phát. Cũng có thể kết hợp sử dụng các sản phẩm làm giảm axit uric để duy trì nồng độ axit uric ở mức an toàn.
Giai đoạn 3: Tổn thương khớp giữa các đợt gút cấp
Trong khoảng thời gian giữa các cơn gút cấp, bệnh nhân thường không trải qua sự đau đớn. Tuy nhiên cần lưu ý rằng: ngay cả khi không gặp cơn gút cấp thì vẫn mắc bệnh gút rồi. Trong thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng khi axit uric máu cao, các tinh thể axit uric (tinh thể gây ra các cơn đau cấp) vẫn hiện diện trong các khớp. Vì vậy, ngay cả khi không xuất hiện cơn đau, tinh thể axit uric vẫn tiếp tục gây tổn thương khớp.
Để kiểm soát bệnh gút, hiện nay các khuyến cáo đưa ra: nồng độ axit uric máu nên duy trì dưới 420 µmol/l. Giảm nồng độ axit uric máu, có nghĩa làm giảm các nguy cơ của cơn gút cấp tái phát trong thời gian tới. Hãy điều trị giảm axit uric máu ngay khi xuất hiện cơn gút đầu tiên.
Giai đoạn 4: Bệnh gút mạn tính
Giai đoạn cuối của bệnh gút được gọi là gút tophi mạn tính. Theo thời gian, khoảng thời gian giữa các cơn gút cấp ngắn dần và biến mất, sau đó viêm khớp liên tục, biến dạng khớp, và lắng đọng các tinh thể axit uric tạo thành các hạt tophi. Tophi thường không gây đau nhưng có thể gây phá hủy khớp, nếu vỡ loét làm các mô xung quanh tổn thương, và có thể dẫn đến dị tật. Ngoài rai, giai đoạn gút mạn tính có thể biến chứng sang sỏi thận, lâu dần chuyển sang suy thận cùng những biến chứng của nó. Nặng nhất, gút mạn tính có thể dẫn đến tử vong.
Hoài Linh