Trải qua hơn 4000 năm, với sự đóng góp của nhiều nhà khoa học, điều trị bệnh gút đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt là việc phát hiện ra vai trò acid uric trong các đợt viêm khớp cấp. Song không phải ai cũng hiểu đúng về căn bệnh gây nhiều đau đớn này.

1. Bệnh gút là do ăn nhiều đạm, uống nhiều bia rượu?

 rượu bia

Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi trong cơ thể chúng ta, lượng acid uric trong máu luôn được giữ ổn định ở ngưỡng an toàn nhờ có sự cân bằng giữa quá trình tổng hợp và đào thải qua thận. Thói quen ăn các thực phẩm giàu đạm như phủ tạng động vật, thịt bò, tôm cua, cá biển…hay uống nhiều bia rượu phá vỡ sự cân bằng, thúc đẩy quá trình sản xuất acid uric, làm lắng đọng tinh thể urat tại các khớp và gây nên bệnh gút.

Song có nhiều người ăn uống điều độ, cân nặng cơ thể đạt chuẩn nhưng vẫn trở thành “nạn nhân” của gút. Điều này được lý giải do thận yếu, chức năng đào thải của thận suy giảm làm giảm khả năng đào thải và dẫn đến dư thừa lượng acid uric trong cơ thể.

2. Chỉ có nam giới mới bị gút?


Bệnh gút tuy dành một sự “ưu ái” đặc biệt với phái mạnh, song điều này không có nghĩa là chị em phụ nữ “miễn dịch” với căn bệnh này. Đặc biệt, khi bước sang tuổi mãn kinh, phụ nữ phải đối diện với nguy cơ bị gút cao gần như nam giới. Số liệu thống kê cho thấy bệnh gút ảnh hưởng đến 3,5% phụ nữ tuổi từ 60-69; và 5,6% phụ nữ độ tuổi trên 80.

3. Tăng acid uric chỉ gây tổn thương khớp?

Viêm khớp cấp tính là một trong những biểu hiện sớm nhất của bệnh gút – do nồng độ acid uric trong máu tăng cao, lắng đọng tinh thể urat tại các khớp. Triệu chứng điển hình là sưng, đau, nóng đỏ ở các khớp, thường gặp nhất khớp ngón chân cái - mắt cá chân. Ở giai đoạn muộn, các khớp đau kéo dài liên tục, xuất hiện những u cục quanh gây biến dạng khớp.

Ngoài ra, acid uric trong máu tăng cao có thể lắng đọng tại nhiều cơ quan khác và gây bệnh tại đó. Acid uric kết tủa và lắng đọng ở tim mạch thì gây viêm mạch máu, viêm màng ngoài tim; ở vùng đầu gây ra viêm kết mạc, viêm mống mắt, viêm tuyến mang tai, viêm màng não. Nếu kết tủa ở vùng sinh dục, các tinh thể uric gây viêm tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt. Ở thận, chúng gây sỏi thận, viêm cầu thận…

4. Điều trị gút chỉ cần thuốc chống viêm, giảm đau?

Các thuốc chống viêm, giảm đau chỉ giúp người bệnh giải quyết được triệu chứng của từng đợt gút cấp, song lại không có tác dụng điều trị nguyên nhân gây bệnh.

Theo các bác sỹ, acid uric là thủ phạm kích thích các cơn gút cấp, vì vậy giảm acid urid trong máu là yếu tố quyết định trong điều trị bệnh gút và kiểm soát các bệnh liên quan tới gút.

5. Bệnh nhân gút nên kiêng hoàn toàn các thực phẩm giàu đạm?

Chế độ ăn uống góp phần quan trọng trong điều trị bệnh gút song người bệnh không nên loại bỏ hoàn toàn chất đạm trong khẩu phần ăn. Bởi chất đạm là một thành phần quan trọng trong dinh dưỡng của mọi lứa tuổi.