Độ tuổi trung niên và cơ địa béo phì là hai yếu tố nguy cơ của các bệnh rối loạn chuyển hóa như gút, tăng mỡ máu, đái tháo đường, xơ vữa động mạch…Hội chứng chuyển hóa gồm các bệnh trên đang là một xu hướng bệnh tật phổ biến trong xã hôi hiện đại ngày nay do một chế độ dinh dưỡng “quá dư thừa”.

Bệnh gút là một bệnh do rối loạn chuyển hóa axit uric trong cơ thể. Bình thường quá trình tổng hợp và bài tiết axit uric ở trạng thái cân bằng để giữ lượng axit uric trong cơ thể ổn định. Tổng lượng axit uric ở nam khoảng 1200 mg, ở nữ là 600 mg. Khoảng 2/3 tổng lượng axit uric được tổng hợp mới hàng ngày, đồng thời một lượng tương tự được đào thải chủ yếu qua thận. Khi hai quá trình này mất cân bằng sẽ gây ra ứ đọng axit uric trong máu (bệnh gút)

Nguyên nhân tăng axit máu có thể do:

- Tăng tổng hợp axit uric máu: tiền chất để tổng hợp axit uric là purin, được cung cấp từ chế độ ăn hoặc sản phẩm thoái hóa các tế bào trong cơ thể. Tăng purin sẽ dẫn tới tăng axit uric.

Nếu ăn quá nhiều các thức ăn chứa nhân purin sẽ dẫn tới nguy cơ mắc bệnh gút. (Đây là nguồn purin ngoại sinh).

- Một số bệnh nhân sử dụng những thuốc diệt tế bào để điều trị các bệnh u ác tính hay trong các bệnh lý huyết học, điều này sẽ bị phá hủy các tế bào và tố chức làm tăng purin nội sinh.

- Giảm bài tiết axit uric qua thận: Có thể do giảm lọc ở cầu thận, giảm tiết urat ở ống thận hoặc phối hợp
- Phối hợp 2 nguyên nhân kể trên:
Người béo phì thường gặp tình trạng tăng mỡ máu. Sự kết hợp giữa tăng mỡ máu và tăng acid uric máu đã được xác định chắc chắn. Có đến 80 % người tăng mỡ máu có sự phối hợp của tăng axit uric máu, và khoảng 50 % – 70 % bệnh nhân gút có kèm tăng mỡ máu. Như vậy, béo phì không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh gút, nhưng là một yếu tố nguy cơ rất lớn dẫn đến bệnh này.

Trong chế độ ăn phải đảm bảo cả chế độ ăn cho người mỡ máu và người bệnh gút. Người bệnh cần chú ý những điểm sau:

1. Hạn chế cả 3 nhóm thức ăn quan trọng : Protein (các loại thịt), Glucid (các loại tinh bột), Lipid (các loại dầu mỡ). Khi ăn nhiều 3 nhóm này, đặc biệt là Lipid thì tình trạng béo phì càng nặng hơn, cũng có nghĩa là sẽ gia tăng nguy cơ các bệnh chuyển hóa như đã kể trên.
2. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt để tăng cường lượng chất xơ.
3. Để kiểm soát lượng axit uric tốt bằng chế độ ăn, bạn nên nói không với các loại thức ăn có chứa nhiều Purin. Những thức ăn này gồm phụ tạng động vật (gan, tim, não, ruột…), các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt dê, thịt ngựa, thịt lợn…), các loại rượu, bia…

Khi đã bị bệnh gút, bệnh nhân phải dùng thuốc dự phòng để tránh những cơn gút cấp. Đồng thời nên có chế độ ăn uống kiêng khem nghiêm ngặt và một lối sống lành mạnh để có một cuộc sống tốt hơn.

 Nguồn sưu tầm