Bệnh gout thường gây những ảnh hưởng lâu dài kể cả khoảng thời gian giữa các cơn gout cấp. Trong thực tế, acid uric máu tăng cao trong khoảng thời gian giữa các cơn gout cấp cũng gây ra tổn thương khớp. Lắng đọng tinh thể acid uric cũng có thể xảy ra tại các khớp ở tay, chân cũng như tai, khuỷu tay và gân asin. Hậu quả lâu dài là đau khớp mạn tính, tổn thương khớp, gân và đi lại gặp nhiều khó khăn. Gout là một bệnh mãn tính, tiến triển, điều này có nghĩa là bệnh trở nên trầm trọng hơn theo thời gian nếu không điều trị kịp thời.

4 giai đoạn của gout:

Giai đoạn 1: Nồng độ acid uric cao, chưa xuất hiện triệu chứng


Giai đoạn này, nồng độ acid uric cao tuy nhiên chưa xuất hiện các cơn gout cấp. Do đó, bác sỹ thường gọi là “tăng acid uric máu”, chưa phải gout. Đa số mọi người có nồng độ acid uric cao không tiến triển thành bệnh gout. Nhiều bệnh nhân gout có tiền sử tăng acid uric máu trong hơn 20 năm trước khi gặp cơn gout cấp đầu tiên. Hiện nay chưa có kiến nghị nào để làm giảm acid uric máu. Khi có nồng độ acid uric máu cao, bạn cần sự tư vấn của bác sỹ.

 

 

 Giai đoạn 2: Xuất hiện gout cấp


Cơn gout cấp xuất hiện khi nồng độ acid uric máu cao dẫn đến hình thành tinh thể, gây viêm khớp cấp. Cơn gout cấp thường tấn công bất ngờ, vào ban đêm và không có cảnh báo nào. Các triệu chứng là sưng, nóng, đỏ và rất đau, thường gặp ở ngón chân cái. Bệnh nhân gout thường mô tả cơn đau giống như một ngọn đuốc đang cháy, một cái búa khoan, kim đâm hoặc đi chân trần trên than nóng. Và, một điều thật không may, một khi bạn đã xuất hiện cơn gout cấp thì điều đó có nghĩa trong cơn gout cấp khác cũng sẽ xảy ra trong thời gian tới.

Đối với đa số bệnh nhân gout (số liệu thực tế 78 %) xuất hiện cơn gout cấp thứ hai xảy ra trong vòng 6 tháng đến 2 năm sau cơn gout đầu tiên. Sau đó các cơn gout cấp xảy ra nhiều hơn một khớp tại một thời điểm. Dần dần các cơn gout cấp xuất hiện với mức độ thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn, đau kéo dài hơn, thời gian phục hồi lâu hơn so với các cơn gout cấp ban đầu.

Khi bị cơn gout cấp, bạn cần sự tư vấn của bác sỹ hoặc chuyên gia khớp. Bạn có thể dùng các thuốc giảm đau và sưng khớp để cải thiện triệu chứng. Điều quan trọng là hãy nhớ rằng điều trị đau và viêm không giải quyết các nguyên nhân cơ bản của bệnh gout, không làm giảm acid uric.

Để kiểm soát bệnh gout, bệnh nhân gout nên giữ cho nồng độ acid uric của bạn dưới ngưỡng 6 mg / dL. Hãy sử dụng các sản phẩm làm giảm acid uric để duy trì nồng độ acid uric ở mức an toàn.

Giai đoạn 3: Tổn thương khớp giữa các đợt gout cấp

Khoảng thời gian giữa các cơn gout cấp, bạn không phải trải qua sự đau đớn. Điều quan trọng là bạn phải nhớ rằng: ngay cả khi không phải gout cấp thì bạn vẫn bị gout. Trong thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng khi acid uric máu cao, các tinh thể acid uric (tinh thể gây ra các cơn đau cấp) vẫn hiện diện trong các khớp. Vì vậy, ngay cả khi không xuất hiện cơn đau, tinh thể acid uric vẫn tiếp tục gây tổn thương khớp.

Để kiểm soát bệnh gout, hiện nay các khuyến cáo đưa ra: nồng độ acid uric máu nên duy trì dưới 6 mg / dL. Giảm nồng độ acid uric máu, có nghĩa làm giảm các nguy cơ của gout trong thời gian tới. Hãy điều trị giảm acid uric máu ngay khi xuất hiện cơn gout đầu tiên.

 

Giai đoạn 4: Bệnh gout mãn tính

Giai đoạn cuối của bệnh gout được gọi là gout tophi mãn tính. Theo thời gian, khoảng thời gian giữa các cơn gout cấp ngắn và biến mất, sau đó viêm khớp liên tục, biến dạng khớp, và lắng đọng các tinh thể acid uric tạo thành các hạt tophi. Tophi có thể gây đau mãn tính và kéo dài, phá hủy khớp, các mô xung quanh tổn thương, và cũng có thể dẫn đến dị tật. Và cơn gout cấp cũng xuất hiện ngay cả thời điểm này.

 

 

 

Kiểm soát bệnh gout

Trên đây chúng tôi đã giới thiệu 4 giai đoạn tiến triển của bệnh gout. Hi vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh gout. Nhiều bệnh nhân gout nhầm tưởng rằng, bệnh gout của họ nhẹ nên chỉ xảy ra trong vài ngày và tự khỏi hoặc chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau đơn thuần. Đây thật sự là một sai lầm. Hãy điều trị giảm acid uric máu càng sớm càng tốt. Bạn nên duy trì nồng độ acid uric của bạn dưới ngưỡng 6 mg / dL và định kỳ kiểm tra chỉ số acid uric máu 2-3 tháng/lần.

 

DS. Thanh Tú  (Tổng hợp)