Béo phì  là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Béo phì là tình trạng sức khỏe có nguyên nhân dinh dưỡng. Thường thường một người trưởng thành khỏe mạnh, dinh dưỡng hợp lý, cân nặng của họ dao động trong giới hạn nhất định. Người bị béo phì ngoài thân hình phì nộn, nặng nề, khó coi,... còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh như rối loạn lipit máu, tăng huyết áp, sỏi mật, đái tháo đường, xương khớp,... và ung thư.

Nguyên nhân chính của thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Người có nguy cơ cao bị thừa cân béo phì bao gồm: người có thói quen dùng thức ăn nhanh, thức ăn giàu năng lượng, ăn nhiều chất béo, ăn ít rau, uống nhiều nước ngọt, bia rượu, người sống tĩnh tại, tuổi trung niên, phụ nữ sau khi sinh, trong gia đình có nhiều người bị béo phì, dân cư đô thị, nhân viên văn phòng... Dấu hiệu dễ nhận thấy của béo phì là gia tăng trọng lượng và tích tụ mỡ khắp cơ thể, đặc biệt tại vùng eo, bụng, đùi...Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn  đến tình trạng người béo phì dễ mắc các bệnh xương khớp trong đó có viêm khớp thấp và bệnh gút.

 Theo nhiều nghiên cứu, có sự liên quan giữa trọng lượng cơ thể và nồng độ acid uric máu. Tỉ lệ bệnh gout tăng rõ rệt ở những người có trọng lượng cơ thể tăng trên 10 %. Béo phì làm tăng tổng hợp acid uric máu và làm giảm thải acid uric niệu, kết hợp của cả 2 nguyên nhân gây tăng acid uric máu. Theo các thống kê gần đây, 50 % bệnh nhân gout có dư cân trên 20 % trọng lượng cơ thể. Do bệnh gút và béo phì có cùng chung một đặc điểm là các rối loạn chuyển hóa. Ở người béo phì, tình trạng này xảy ra không chỉ đối với protid mà cả lipid và glucid. Việc tăng nạp quá nhiều đồ ăn khiến cơ thể bị thừa chất, tăng chuyển hóa và sinh bệnh.

hình ảnh minh họa

Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp do tăng sinh ở người béo phì cao gấp nhiều lần người bình thường. Qua theo dõi lâm sàng, trong số người viêm khớp dạng tăng sinh có tới trên 50% là người ở tuổi trung niên có cơ thể béo mập. Khớp gối là khớp phức tạp nhất, lớn nhất của cơ thể con người, trong đó, bánh chè là thiết bị đệm bảo vệ khớp gối. Khi một người nặng 65-70 kg đi lại thì mỗi cm2 xương bánh chè phải chịu áp lực 4,5kg, nếu cơ thể tăng lên 100kg, thì mỗi cm2 xương bánh chè phải chịu áp lực 6,9kg. Khớp, gân, dây chằng, xương sụn phải hoạt động lâu dài trong phụ tải như vậy ắt sẽ sinh bệnh.

Viêm khớp tăng sinh phần lớn phát ra ở khớp gối, khớp háng, khớp đốt sống lưng và đốt sống cổ. Khởi bệnh chậm chạp, lúc đầu thấy đau nhức khớp, khó vận động, ngồi lâu thì triệu chứng đau tăng, sau khi vận động thấy đỡ, nhưng khi hoạt động lâu lại khó chịu. Cùng với việc xuất hiện các gai ở quanh xương khớp, mô mềm bị tổn thương; đau nặng hơn; khớp sưng, biến dạng, đi lại khó khăn.

Viêm khớp tăng sinh ở người béo phì thường trở thành tuần hoàn xấu. Khi khớp sưng hoặc biến dạng, hoạt động giảm, cơ thể nặng thêm, thì áp lực đối với khớp càng nặng, bệnh sẽ trở nên xấu. Vì thế người béo phì bị viêm khớp tăng sinh muốn điều trị cần bắt đầu từ việc giảm cân. Trọng lượng cơ thể giảm thì áp lực lên khớp sẽ giảm, triệu chứng sưng đau khớp sẽ giảm dần, đi lại sẽ dễ dàng.

Như vậy, người béo phì cần sớm có biện pháp kiểm soát cân nặng một cách hợp lý. Cần có chế độ ăn kiêng, tập luyện để giảm cân. Từ đó không những giúp bạn có một thân hình chắc khỏe, xinh xắn mà còn giúp bạn tăng cường sức khỏe ngăn ngừa các bệnh lý đáng tiếc có thể xảy ra.

Bông tuyết