Tâm lý gút (gout) là bệnh chỉ nhà giàu mới mắc khiến cho không ít người không giàu chủ quan, tự đẩy mình vào những hoàn cảnh éo le.

Xu hướng đảo ngược…

Khác hẳn ngôi nhà nền đất với vài ba món đồ sơ sài cũ kỹ, mâm cơm nhà anh Phùng Ngọc H, 48 tuổi (Hội Hợp, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) lúc nào cũng ăm ắp từ thịt gà, thịt vịt đến các món cá hấp riềng, sả, cá kho, rán…. Khách đến chơi được mời cơm cũng phải ngỡ ngàng về mức độ thịnh soạn của bữa cơm quê. Đùng một cái, bác sỹ cho biết anh H. đã bị gút sau một lần đi khám do bàn chân nhức buốt.

Vẫn chưa hết sốc, anh H kể, sinh ra trong một gia đình thuần nông khó khăn, hồi nhỏ ngày nào cũng khoai sắn, rau cháo qua ngày. Tới khi lấy vợ, vừa nấu rượu vừa chăn nuôi, gần chục năm nay, tuy không dư giả gì nhưng gà vịt, ngan ngỗng, cá lúc nào cũng sẵn. Cứ nghĩ ngày xưa sống khổ sở chẳng có gì ăn, giờ thịt cá chẳng thiếu gì thì cứ tích cực ăn, ăn nhiều đâm quen, chẳng muốn ăn rau nữa, rượu thì uống bao nhiêu tùy thích.

Còn anh Hoàng Thanh Yên (Mộc Châu, Sơn La) từng bị những cơn đau gút hành hạ cho biết: do làm thợ xây, đi tới đâu chủ nhà rồi anh em làm thợ cùng cũng mời rượu thịt tới đó, quanh năm suốt tháng. Thế rồi 2 năm trước phát hiện ra bị gút sau một vài cơn đau buốt xương.

Bệnh thống phong hay còn gọi là bệnh gút đã được biết đến từ thời Hippocrates, tức là từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên. Qua hàng bao nhiêu năm, bệnh này vẫn được coi như là bệnh của giới nhà giàu. Tuy nhiên, trong khoảng 20 năm gần đây bệnh đang có xu hướng đảo ngược, lan sang các nước đang phát triển.

… tại ăn uống thiếu khoa học

Theo BS Bùi Thị Thuyết, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện E, nhiều người thường nghĩ rằng gút là “bệnh nhà giàu” vì chỉ người giàu ăn nhiều thịt cá, sơn hào hải vị mới dễ bị bệnh, còn người nghèo thì vô lo. Tâm lý đó khiến nhiều người tự cho mình ăn uống tùy thích, thiếu khoa học dẫn đến tình trạng bệnh gút gia tăng mạnh tại Việt Nam.

Ở những nước phát triển, những người giàu ý thức rất rõ tầm quan trọng của thể dục thể thao và không còn ăn uống vô độ như trước. Họ rất kỹ lưỡng trong nghệ thuật ẩm thực, từ chọn lựa loại thực phẩm, các loại thức uống và cả cách ăn uống nữa. Do đó, tỉ lệ mắc bệnh thống phong nơi này đã giảm đi rất nhiều. Ngược lại, sự gia tăng các loại thức ăn, sự lan tràn các loại rượu bia rẻ tiền và giảm hoạt động thể lực… đã làm khá nhiều người nghèo mắc bệnh này. Một đặc điểm rất dễ thấy ở những người này là việc chống và giải tỏa stress trong cuộc sống rất đơn điệu vì không có điều kiện, chỉ có bằng thú vui ăn uống và bia rượu.

Cẩn thận với gút thứ phát

Ngoài chế độ ăn uống, bệnh gút tại đối tượng người nghèo cũng gia tăng tỉ lệ thuận với mức độ gia tăng bệnh tật khác. Đây chính là bệnh gút thứ phát. Nhiều người khi mắc các bệnh lý huyết học, suy thận, suy giáp, đái tháo đường nhiễm toan, hội chứng down, cao huyết áp, ung thư… hoặc dùng các loại thuốc điều trị như aspirin, thuốc lợi tiểu, thuốc lao, nhóm salicylat, corticoid… cũng có khả năng mắc thêm bệnh gút. Những đối tượng hay nhịn đói, hoạt động thể lực nặng, ngộ độc rượu cấp… cũng gây gia tăng nồng độ axit uric cao bất thường.

Gút thứ phát chiếm tỷ lệ thấp (5-10%) so với gút nguyên phát, nhưng thường nặng và khó điều trị hơn. Trong nhóm bệnh gút phụ nữ, gút thứ phát lại chiếm tỉ lệ khá cao.

Theo BS Thái Thị Hồng Ánh, khoa Nội Cơ xương khớp, bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cơn gút cấp, một khi đã được chẩn đoán, cho dù là gút nguyên phát hay thứ phát, cần được điều trị càng sớm càng tốt, thông thường trải qua 2 giai đoạn: điều trị triệu chứng và điều trị cơ bản.

Điều trị triệu chứng nhằm chấm dứt quá trình viêm gút cấp, thường dùng colchicin và các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, kết hợp với cho khớp nghỉ ngơi và chọc hút dịch khớp trong trường hợp có tràn dịch khớp nhiều. Phẫu thuật được chỉ định khi các tophi quá lớn ảnh hưởng đến chức năng hay chèn ép gây biến chứng.

Tuy nhiên, điều trị triệu chứng chỉ nhắm sớm chặn đứng cơn đau do viêm gút cấp, về lâu dài để có kết quả tích cực bệnh nhân cần được điều trị cơ bản. Mục tiêu chính của điều trị cơ bản là giảm lượng axit uricmáu xuống ≤ 6mg%.

Tùy vào tình hình, bệnh nhân thường được chỉ định dùng thuốc ức chế tổng hợp axit uric (allopurinol, tisopurine) và thuốc tăng thải axit uric qua đường niệu (benzbromarone, probenecid, urate oxydase), người bệnh cần thận trọng vì có thể gây sỏi niệu.

Ngoài ra, người bệnh nên chú ý chế độ ăn giảm tối đa thức ăn cung cấp nhiều đạm gốc purin, giảm calorie, giảm chất béo, uống nhiều nước. Cố gắng kiềm hóa nước tiểu với nước pha bicarbonat (ít dùng), acetazolamid, nước suối, trái cây không chua.

Theo Dân Trí