Gout là một bệnh rối loạn về chuyển hóa liên quan đến việc tăng sản xuất hoặc giảm đào thải chất acid uric trong cơ thể. Có thể nói nguyên nhân trực tiếp gây bệnh gout là sự lắng đọng vi tinh thể muối urate natri tại các cơ quan trong cơ thể như: tại các khớp, tại tim, tại thận,...
 
Vi tinh thể muối urate natri là sản phẩm của acid uric kết tủa thành khi gặp điều kiện thuận lợi. Vì một lý do nào đó, hàm lượng purin trong cơ thể tăng, quá trình chuyển hóa chúng thành acid uric tăng. Khi cơ thể tạo ra quá nhiều acid uric hoặc thải acid này ra nước tiểu quá ít thì nồng độ acid uric trong máu tăng lên, sự chuyển hóa acid uric thành muối urat tăng theo dẫn tới sự lắng đọng những tinh thể muối urat sắc nhọn hình kim tại các khớp, sụn, xương, tổ chức dưới da, gây ra viêm sưng khớp và biểu hiện triệu chứng tại những vị trí lắng đọng. 

 Nguyên nhân gây tăng lượng acid uric

 
 Acid uric lắng tụ tại khớp 

 Tăng bẩm sinh: bệnh Lesch - Nyhan: do thiếu men HGPT nên lượng acid uric tăng cao ngay từ nhỏ, bệnh có các biểu hiện về toàn thân, thần kinh, thận và khớp. trường hợp này rất hiếm và rất nặng.

 

Bệnh gout nguyên phát: là bệnh gắn liền với các yếu tố di truyền và cơ địa, những bệnh nhân này có quá trình tổng hợp purin nội sinh tăng nhiều gây tăng acid uric. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu của bệnh.
 
Bệnh gout thứ phát: acid uric trong máu có thể tăng thứ phát do những nguyên nhân sau :
 
- Do tiêu thụ những loại thức ăn có chứa nhiều purin (gan, lòng, thịt, cá, nấm, tôm, cua), uống nhiều rượu, bia. Thực ra đây chỉ là những tác nhân phát động bệnh hơn là nguyên nhân trực tiếp.
 
- Do trong cơ thể tăng cường thoái giáng purin nội sinh (phá hủy nhiều tế bào, tổ chức) liên quan đến các bệnh lý huyết học  như bệnh đa hồng cầu, leucemie kinh thể tủy, hodgkin, sarcom hạch, đa u tủy xương, hoặc do sử dụng những thuốc diệt tế bào để điều trị các bệnh u ác tính. 
 
- Do giảm thải acid uric qua thận: viêm thận mạn tính, suy thận làm cho quá trình đào thải acid uric giảm và ứ lại gây bệnh. 
 
Vai trò của acid uric trong viêm khớp
 
Trong bệnh gout, tinh thể urat monosodic lắng đọng ở màng hoạt dịch sẽ gây nên một loạt các phản ứng:  

 - Hoạt tác yếu tố Hageman tại chỗ từ đó kích thích các tiền chất gây viêm Kininogen và Kallicreinogen trở thành kinin và kallicrein gây phản ứng viêm ở màng hoạt dịch. 

 - Từ phản ứng viêm, các bạch cầu sẽ tập trung tới, bạch cầu sẽ thực bào các vi tinh thể urat rồi giải phóng các men tiêu thể của bạch cầu (lysozim). Các men này cũng là một tác nhân gây viêm rất mạnh. 

 - Phản ứng viêm của màng hoạt dịch sẽ làm tăng chuyển hóa, sinh nhiều acid lactic tại chỗ và làm giảm độ pH, môi trường càng toan thì urat càng lắng đọng nhiều và phản ứng viêm ở đây trở thành một vòng khép kín liên tục, viêm sẽ kéo dài. Do đó, trên thực tế thấy hai thể bệnh gout: Thể bệnh gout cấp tính, quá trình viêm diễn biến trong một thời gian ngắn rồi chấm dứt, hay tái phát. Thể bệnh gout mạn tính quá trình lắng đọng urat nhiều và kéo dài, biểu hiện viêm sẽ liên tục không ngừng. 

Hoàng My- Sưu tầm