Việc điều trị bệnh gút tiến hành một cách tùy tiện không đúng theo chỉ định của bác sĩ, cũng như người bệnh gút thường lạm dụng các thuốc corticoid như prednisolon, dexamethasone sẽ gây ra các biến chứng khiến cho bệnh nặng hơn gấp bội.

Ở nước ta hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, bệnh gút cũng không ngừng tăng theo và vươn lên đứng hàng thứ 4 trong số các bệnh về xương khớp. Bệnh gút thường hay bị chuẩn đoán nhầm sang các bệnh về thoái hóa khớp nên bệnh thường đi vào giai đoạn mạn. Trên thực tế thì corticoid có tác dụng chống viêm rất mạnh, người ta còn tiêm cả hormone adrenocorticotropic (ACTH) để kích thích tuyến thượng thận tiết ra corticoid nội sinh trong các trường hợp trị viêm khớp, nhưng cần phải dùng thuốc đúng chỉ định, đúng liều và theo thời gian dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Những chỉ định dùng corticoid trong bệnh gút 

Corticoid dùng trong các trường hợp bệnh viêm đa khớp do bệnh gút, ưu tiên dùng cho các bệnh nhân cao tuổi có kèm theo các bệnh lý khác, cần cẩn trọng trong việc sử dụng thuốc này đối với các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, chống chỉ định với thuốc chống viêm non-steroid hay colchicine. Bệnh nhân uống hay tiêm cũng cần phải kết hợp dùng thêm liều thấp của colchicin 0,l6mg x 1-2 lần/ngày nếu không có chống chỉ định dùng colchicine, điều đó để tránh tái phát các cơn đau.

Các con đường dùng corticoid đối với bệnh gút 

Tiêm nội khớp.

Corticoid được dùng phổ biến trong việc hỗ trợ điều trị các cơn gút cấp, dùng phương pháp tiêm trực tiếp đối với những người bệnh gút không thể uống thuốc hay những trường hợp không đáp ứng với các thuốc chống viêm non-steroid, colchicine. Những khớp nhỏ thì được tiêm với liều bằng ½ hoặc 1/3 so với các khớp lớn, tiêm nội khớp được dung nạp tốt trong các trường hợp. Tuy nhiên, việc tiêm corticoid nội sinh gây ra các biến chứng như đau thoáng qua, teo da, mất sắc tố tại chỗ, nghiêm trọng có thể gây đứt gân, nhiễm khuẩn khớp… Vì vậy bệnh nhân cần phải đến gặp bác sĩ nếu như xuất hiện các triệu chứng trên.

 Điều trị bệnh gút bằng cách tiêm corticoid

Ảnh minh họa

Tiêm bắp hay truyền tĩnh mạch.

Hiện nay người ta vẫn dùng corticoid để tiêm bắp, tuy nhiên do thuốc dùng tiêm bắp có thể dẫn đến teo cơ vùng tiêm rất nặng nên có xu hướng tránh dùng phương pháp này.
Dùng methylprednisolon tiêm truyền tĩnh mạch với liều 50-150mg trong 30 phút, giảm dần liều trong 5 ngày và có ưu điểm tác dụng nhanh và không teo cơ tại chỗ như tiêm bắp. 

Trong con đường uống.

Dùng Prednison uống là một lựa chọn hợp lý khi đòi hỏi dùng lặp lại và các thuốc colchicine, non-steroid không đáp ứng hoặc chống chỉ định. Tuy nhiên về liều dùng vẫn chưa được thống nhất, một số ý kiến cho rằng nên dùng liều trung bình (20-40 mg/ngày) và giảm liều nhanh chóng, một số khác thì dùng với liều tương tự nhưng kéo dài.

Như vậy, khi dùng corticoid phải thật cân nhắc và phù hợp với tình trạng bệnh cụ thể của bệnh nhân, với những thông tin trên cho thấy, chỉ một số ít có thể dùng corticoid với chỉ định rõ ràng chứ không nên lạm dụng, để tránh việc sử dụng thuốc không mang lại hiệu quả mà gây tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Hồng Nhung.