Những giờ phút trọng đại đáng ghi nhớ này, chắc chắn sẽ có rượu, có tiệc, có những cuộc vui thâu đêm không dứt, có những căng thẳng hồi hộp, lo toan... và chắc chắn cũng có ai đó không may phải chịu sự đau đớn của cơn viêm khớp Gút cấp. Vì rượu, tiệc, gắng sức, căng thẳng... là các yếu tố nguy cơ gây cơn viêm khớp Gút cấp cho những ai đang có lượng acid uric trong máu cao mà không biết, không được điều trị, điều trị không đúng hoặc tự ý bỏ thuốc... để vui đón Tết!
Bệnh Gút và các mốc lịch sử
Gút là bệnh được biết và mô tả từ thời Hy Lạp cổ. Ngay từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, Hyppocrates đã mô tả rõ một biểu hiện rất đặc trưng của bệnh là sưng tấy, nóng, đỏ và rất đau ở ngón chân cái (Podagra), ông còn gọi bệnh Gút là "Vua của các bệnh" và "bệnh của các Vua" ("King of Diseases" and "Disease of Kings").
Suốt gần 2.000 năm sau những mô tả và nhận định này của Hyppocrates, nhân loại chẳng biết thêm gì đáng kể về căn bệnh này, ngoại trừ một mô tả lâm sàng hết sức sống động, hết sức chân thực của một bác sĩ người Anh, kiêm một nạn nhân của bệnh Gút - Sydenham, năm 1683. Lúc này, ngoài ngón chân cái, Sydenham còn nêu thêm một số vị trí khác cũng có thể bị bệnh Gút tấn công như: khớp bàn ngón chân, khớp cổ chân...
Gút là vua của các loại bệnh
Mãi tới cuối thế kỷ 18, các nhà khoa học Đức và Mỹ mới phát hiện được các tinh thể urate trong các u cục (tophi) quanh khớp, trong các viên sỏi ở hệ tiết niệu, đồng thời phát hiện được sự khác nhau giữa lượng acide uric ở nước tiểu người bình thường và người bệnh. Sau các phát hiện trên là một loạt các nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, Đức, Mỹ, Nga... Cho đến giữa thế kỷ 20, các nhà khoa học đã làm được rõ các nguyên nhân gây tăng acid uric máu, đã tìm thấy tinh thể urate dịch khớp, ở sụn khớp, ở các tổ chức dưới da, đã tìm được lý do làm khớp bị viêm cấp và người ta có thể gây viêm khớp thực nghiệm bằng chích tinh thể urate vào ổ khớp. Cũng từ đây các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh Gút đã dần được củng cố và hoàn thiện.
Những quan niệm chung về bệnh Gút
Gút là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa purin ở người, mà nguồn gốc từ việc tiêu hủy các acid nhân của tế bào và hoặc giảm bài xuất acid uric ra nước tiểu, gây tăng acid uric trong máu. Ơû người bình thường lượng acid uric máu từ 3-5mg% (hay 180-300 m mol/L). Acid uric máu cao khi bằng hoặc trên con số 7 mg/% (hay 420 m mol/L).
Tuy nhiên không phải cứ có acid uric máu cao là bị bệnh Gút. Nếu chỉ có acid uric máu cao đơn thuần, chỉ được gọi là tình trạng tăng acid uric máu không triệu chứng. Người bệnh nên được theo dõi sức khỏe thường kỳ, nên hạn chế protid trong khẩu phần ăn hàng ngày, hạn chế uống rượu, giảm cân nặng nếu có quá cân và tăng cường vận động để tránh dư cân.
Chỉ gọi là bệnh Gút khi tình trạng tăng acid uric máu gây những hậu quả xấu cho cơ thể. Hậu quả trước mắt của bệnh là gây các đợt viêm khớp Gút cấp - nỗi kinh hoàng cho những ai bị Gút, tuy nhiên ở giai đoạn đầu các đợt viêm này thường không kéo dài, không thường xuyên và rất dễ chữa. Nếu bệnh không được điều trị đúng và đủ, các đợt viêm khớp sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, kéo dài hơn, khó chữa hơn và hậu quả lâu dài và cố định của bệnh sẽ là viêm nhiều khớp, xuất hiện nhiều u cục quanh khớp, cứng khớp, biến dạng khớp, tàn phế, sỏi hệ tiết niệu đặc biệt là sỏi thận và nguy hiểm hơn cả là suy chức năng thận, đây là nguyên nhân chính làm giảm tuổi thọ của các bệnh nhân Gút.
Gút là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa, các bệnh rối loạn chuyển hóa và liên quan đến rối loạn chuyển hóa thường hay đi kèm với nhau vì vậy bệnh nhân Gút thường dư cân, thường mắc thêm một hay nhiều bệnh như: xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, tiểu đường, rối loạn lipid máu, cao huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh mạch não... Nói cách khác các bệnh nhân bị các bệnh nói trên rất dễ bị bệnh Gút.
Với những hiểu biết hiện nay về bệnh Gút, với những phương tiện và thuốc men hiện có, bệnh Gút được coi là bệnh dễ chẩn đoán, có thể chẩn đoán sớm và có thể điều trị đạt kết quả cao. Tuy nhiên trên thực tế nước ta mọi việc hầu như lại bị đảo ngược và lý do cơ bản là sự thiếu hụt kiến thức về một bệnh lý thường gặp. Sự thiếu hụt kiến thức này không chỉ ở cộng đồng, ở người bệnh mà còn có cả ở nhiều thầy thuốc. Chính sự thiếu hụt kiến thức này đã biến một bệnh dễ chẩn đoán, dễ chữa thành một bệnh nan y!
Đặc điểm lâm sàng đặc biệt của bệnh Gút
Ở giai đoạn sớm (có thể kéo dài vài năm), bệnh Gút có những đặc điểm lâm sàng khá đặc biệt, đa số các trường hợp đều có thể được nhận biết nếu được chú ý. Chính vì vậy trong việc chẩn đoán bệnh Gút, các dấu hiệu lâm sàng rất có giá trị, nhiều trường hợp có thể không cần có các dấu hiệu cận lâm sàng.
? Thường gặp ở nam giới (trên 95%), khỏe mạnh, mập mạp (hay còn gọi là tốt tướng).
Phụ nữ rất ít bị bệnh Gút, nếu bị thường ở lứa tuổi trên 60.
? Thường bắt đầu vào cuối tuổi 30 và đầu tuổi 40 của cuộc đời.
Vì hai đặc điểm này mà các vị giám đốc trẻ, các chủ doanh nghiệp trẻ, hay những người đàn ông thành đạt nói chung nên lưu tâm hơn về căn bệnh này.
? Bệnh khởi phát cấp tính, thường vào nửa đêm gần sáng, với tính chất sưng tấy, nóng, đỏ mọng, đau dữ dội và đột ngột ở một khớp (không đối xứng). Thường gặp nhất ở ngón chân cái, kế đó là khớp bàn ngón chân cái, khớp cổ chân, các ngón chân khác, khớp gối, bàn tay, các khớp và các vùng gần khớp khác. (hình 1 và 2)
? Có thể có kèm một số triệu chứng toàn thân như sốt cao, lạnh run, ớn lạnh... thậm chí một số trường hợp gây nhức đầu, ói mửa, cổ gượng (do phản ứng màng não).
? Hiện tượng viêm cấp tuy rất rầm rộ nhưng cũng chỉ kéo dài 5-10 ngày, rồi khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng gì tại khớp. Nếu được dùng thuốc sớm, đúng thuốc, đúng liều lượng bệnh sẽ hết rất nhanh (dưới 5 ngày).
? Bệnh tái phát từng đợt với xu hướng càng ngày càng nhiều đợt viêm hơn, các đợt viêm khớp ngày càng dài ra, càng lâu khỏi hơn, càng có nhiều khớp bị viêm hơn...
Tại sao số bệnh nhân Gút lại gia tăng nhanh như vậy?
Trong 2 năm 1987-1988, tại khoa Nội tổng quát và khớp Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ có 7 bệnh nhân Gút, nhưng đến nay mỗi tháng đã có tới 4-5 bệnh nhân Gút (tăng gấp 20 lần), thậm chí có tháng tới 10 bệnh nhân.
Các lý do chính của sự gia tăng này là:
? Kiến thức và khả năng chẩn đoán các bệnh về khớp đã được nâng lên một bước đáng kể, ngày càng giảm đi những chẩn đoán chung chung vô nghĩa như: thấp khớp, viêm đa khớp...
? Đời sống kinh tế của nhân dân đã và đang được nâng lên rõ rệt.
? Với chính sách mở cửa và hội nhập với thế giới, việc du nhập lối sống phương Tây, việc thay đổi lối sống và các thói quen sinh hoạt...
Các yếu tố trên đã góp phần làm thay đổi mô hình bệnh tật của nước ta và Gút là một trong các bệnh đang có xu hướng tăng đáng kể nhất.
Kết luận
Có thể nói Gút là bệnh của các ông (vì thường mắc ở nam giới, tuổi sắp làm ông). Tuy bệnh có thể mắc ở mọi mức sống không kể giàu nghèo, không kể sang hèn nhưng những người có mức sống, sinh hoạt cao, có lối sống hiện đại có nghĩa là có nhiều hơn các yếu tố nguy cơ (rượu, tiệc, căng thẳng...) và chắc chắn nhiều khả năng bị bệnh Gút tấn công hơn.
Bệnh Gút hoàn toàn có thể được chẩn đoán sớm. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ, đề nghị các bác, các chú, các anh nên đến thầy thuốc chuyên khoa Khớp để được xác định chẩn đoán càng sớm càng tốt.
Bệnh Gút có thể được điều trị tốt bằng:
- Chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý.
- Chế độ thuốc men hiệu quả nhằm hai mục đích:
- Cắt cơn viêm khớp cấp.
- Phòng ngừa viêm khớp tái phát, sỏi thận và suy chức năng thận. Việc điều trị này cần phải liên tục và lâu dài để hạ và duy trì mức acid uric máu ở mức bình thường (dưới 5 mg% hay dưới 300 m mol/L).
Kết quả điều trị hoàn toàn phụ thuộc vào hai yếu tố không thể tách rời: kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn của người thầy thuốc; hiểu biết và sự tuân thủ điều trị của người bệnh.
Theo ykhoa.net