Chào bạn
Bệnh gút là bệnh do rối loạn chuyển hóa purine, dẫn tới tăng acid uric trong máu, acid uric tăng cao kết hợp với một số điều kiện thích hợp sẽ kết tủa thành vi tinh thể muối urate tại các mô trong cơ thể, đặc biệt là các đầu khớp, các ngón chân, ngón tay, mắt cá chân, đầu gối và gây nên viêm khớp gút cấp (cơn đau gút cấp). Biểu hiện lâm sàng: Khớp xương sưng tấy, nóng đỏ, đau kịch liệt, tái phát nhiều lần, … Bệnh không điều trị để lâu ngày sẽ dẫn đến dị dạng khớp, nổi u cục quanh khớp và dưới da, sỏi thận, suy thận, …
Bệnh gút và cơn đau gút cấp liên quan mật thiết đến thành phần dinh dưỡng của thức ăn sử dụng hàng ngày. Do đó, người bệnh cần hạn chế hoặc kiêng những thực phẩm có hàm lượng purine cao. Căn cứ vào hàm lượng purine, một số nhà dinh dưỡng đã xếp loại thức ăn theo các “cấp độ nguy hiểm” như sau:
Cấp 1: Lượng purine cao (150-1000mg purine trong mg acid uric/100g thực phẩm). Ví dụ: Tim, tụy, trứng cá trích, nước thịt cô đặc, thịt ức, cá xác-đin, …
Cấp 2: Lượng purine trung bình (50-150mg purine trong mg acid uric/100g thực phẩm). Ví dụ: Gan, thận, thịt ngỗng, gà rừng, bồ câu, đùi dê, thịt bê, thịt nai, thịt lợn ướp muối, …
Cấp 3: Lượng purine thấp (tối đa 50mg purine trong mg acid uric/100g thực phẩm). Ví dụ: lạc (đậu phộng), cải bắp, bông cải, cà rốt, trái bắp (ngô), dưa leo,…
Theo ý kiến chuyên gia, người bị bệnh Gút cần tránh ăn các thức ăn cấp 1 và cấp 2 ở trên. Chỉ nên sử dụng các thức ăn cấp 3. Các món nội tạng như tim, gan, thận, … mỗi tuần chỉ nên ăn 2 lần, mỗi lần không quá 80g. Để bổ sung chất đạm, có thể dùng thêm sữa và thịt một số loài gia cầm. Để tăng cường thải trừ acid uric, hàng ngày cần uống nhiều nước, bảo đảm lượng nước tiểu bài tiết hàng ngày từ 2 lít trở lên.
Bảng xếp loại trên chỉ có tính tham khảo. Vì mới căn cứ vào hàm lượng purine trong thức ăn chưa chế biến. Hiện tại, vẫn chưa có những tư liệu đầy đủ về hàm lượng purine trong thức ăn đã chế biến.
Quan điểm về kiêng kị của Tây y và Đông y cũng rất khác nhau. Tây y căn cứ chủ yếu vào thành phần hóa học của thức ăn. Bảng xếp hạng “cấp nguy hiểm” ở trên là ví dụ điển hình. Đông y căn cứ chủ yếu vào đặc điểm thể chất từng người, cho rằng: Tác động của cùng một loại thức ăn (hoặc thuốc) có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm thể chất, bệnh tình từng người.
Trà là những thứ trong “Cấp 3”, người bệnh gút có thể sử dụng. Theo chúng tôi biết, hiện tại chưa có những chứng cứ xác thực chứng minh tác hại của trà xanh cũng như cà phê đối với bệnh Gút. Nếu bố bạn vẫn thường xuyên uống hai thứ đó mà không thấy tác dụng có hại, thì không nhất thiết phải từ bỏ.
Kiêng khem quá khắt khe khiến tinh thần bị ức chế quá mức, cũng có thể làm bệnh tình càng thêm trầm trọng. Tôi quen một số người bị Gút, đã làm “sổ theo dõi bữa ăn” để xác định những thức ăn thích hợp với cơ địa của mình cho đỡ phải kiêng khem quá mức. Tôi cũng quen một số người bệnh Gút, vẫn sử dụng cả một số loại thức ăn mà bác sĩ khuyên không nên dùng mà bệnh không phát tác, xét nghiệm máu uric không tăng, …
Tóm lại, không có quy tắc kiêng kị chung thích hợp cho tất cả mọi người. Giải pháp tốt nhất là chú ý lắng nghe cơ thể để tìm ra chế độ ăn uống thích hợp nhất với bản thân mình.
Thân ái