Chào bác sĩ, tôi tên Tâm, năm nay 48 tuổi, tuần trước khi ngủ dậy, mắt cá chân của tôi bị sưng đỏ đau lắm, nên tôi đã đi khám ở bệnh viện Bạch Mai và được chuẩn đoán là bị gút, nồng độ axit uric 583 µmol/l. Bác sĩ hãy giải thích giúp tôi về chỉ số này, và bệnh gút có nguy hiểm không? Tôi cảm ơn! Nguyễn Thành Tâm, Đà Nẵng.
Trả lời:

Bệnh gút sẽ bớt nguy hiểm nếu như chúng ta phát hiện sớm.

Chào bạn,

Theo y học hiện đại bệnh gút là một bệnh viêm khớp, gây ra bởi nồng độ axit uric trong cơ thể quá cao, vượt mức cho phép. Ở người bình thường, nồng độ này luôn được giữ cân bằng nhờ chức năng đào thải của thận, nồng độ axit uric cho phép ở nữ là dưới 360 µmol/l và ở nam giới là dưới 420 µmol/l, nhưng vì một số nguyên nhân về chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động, di truyền… làm cho nồng độ axit uric trong cơ thể vượt quá mức trên gây nên bệnh gút. Bệnh gút không ảnh hưởng nhiều đến tính mạng so với các bệnh mạn tính khác. Tuy nhiên, hậu quả trước mắt của bệnh gút là các cơn đau gút cấp, đó là nỗi kinh hoàng đối với những ai đã từng trải qua, khiến họ không thể đi lại được. Ở giai đoạn đầu, các cơn đau ít tái phát nhưng thời gian về sau các đợt viêm sẽ xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài, nồng độ axit uric tiếp tục tăng gây ứ đọng các tinh thể muối urat tại các khớp hình thành cục tophy quanh khớp, làm cứng khớp, biến dạng khớp. Các cục này nếu không đượcxử lý kịp thời sẽ vỡ ra tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, hủy hoại xương nghiêm trọng dẫn đến tháo khớp, gây giảm chức năng hoạt động và mất thẩm mỹ trầm trọng. Ngoài ra bệnh còn gây ra một số biến chứng dẫn đến suy thận, sỏi thận, viêm thận và hàng loạt các bệnh lý khác.

Trường hợp của bạn cũng không nên quá lo lắng, vì hiện nay những hiểu biết và phương pháp hỗ trơ điều trị bệnh gút cũng đã có nhiều tiến bộ. Theo như mô tả thì tình trạng hiện nay của bạn chỉ là sự bùng phát các cơn đau gút cấp tính, điều quan trọng là bạn cần phải kiên trì  và kiểm soát chỉ số axit uric về dưới mức 420 µmol/l theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài việc dùng thuốc hỗ trợ điều trị giảm các cơn đau gút cấp, cũng như hạ axit uric trong máu thì bạn cần kiểm soát trong chế độ ăn uống, không ăn nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều đạm như các loại thịt đỏ, các loại hải sản, thịt chó… hạn chế uống các loại thức uống có cồn như bia rượu, nên uống nhiều nước, thường xuyên luyện tập thể thao, tăng cường sức khỏe cũng góp phần giảm axit uric trong cơ thể, tránh cho việc bệnh chuyển sang giai đoạn mạn.

Chuyên gia tư vấn.